Thông tin đầy đủ về Cây lưỡi hổ – Snake Plant
Cây Lưỡi hổ có khả năng hấp thu CO2 vào ban đêm (đặc tính của thực vật CAM – Crassulacean acid metabolism) giúp giảm lượng CO2 và tăng chất lượng giấc ngủ. Nhiều báo chí cho rằng lưỡi hổ nhả khí O2 vào ban đêm nhưng không phải vậy. Lưỡi hổ tại Việt Nam chỉ ngậm, giữ một lượng CO2 vào buổi tối thôi nhé, vậy cũng tốt rồi.
Ánh sáng
Cây ưa sáng, không thể sống được thiếu sáng. Nhiều cửa hàng bán cây giới thiệu cây này đặt được ở chỗ thiếu sáng là không đúng. Vì lá cứng nên mọi người nghĩ là nó sống thôi, thực tế cây thiếu sáng sẽ chết dần.
Tưới nước
Là cây mọng nước nên Lưỡi hổ cần rất ít nước, nếu để cây trong nhà thì bạn nên tưới 1 tuần/ lần. Nên tưới từ lá xuống cho bụi theo nước chảy xuống gốc.
Độ ẩm & Nhiệt độ
Về cơ bản lưỡi hổ rất khỏe, chỉ cần đủ sáng là được. Nhiệt độ ưa thích từ 15 đến 35 độ. Cây có thể sống được cả chỗ độ ẩm cao hoặc nơi khô như dưới luồng gió máy lạnh.
Giá thể
Đất trồng lưỡi hổ nên thoát nước tốt, trồng trong nhà cây sẽ quang hợp ít -> rễ cần rất ít nước. Vì thế, giá thể cần thông thoáng & không được ngậm giữ nước.
Bón phân & thay chậu
Nếu đặt cây trong nhà nên hạn chế dùng phân hữu cơ, vì sẽ có nhiều mùi khó chịu. Bạn nên dùng phân tan chậm bón đều đặn cho cây. Cây lớn bạn có thể thay ra chậu lớn, hoặc tách bụi ra nhiều chậu nhỏ đều được.
Nhân giống cây lưỡi hổ
Có 2 phương pháp nhân giống lưỡi hổ chính là: Tách cây con và ươm lá. Lưỡi hổ có thể mọc lên mầm mới từ lá. Cắt ngang lá, để khô vết cắt và đặt vào đất ẩm một thời gian rễ sẽ đâm ra và phát triển cây non.
Các vấn đề thường gặp của cây Lưỡi hổ:
- Vấn đề hay gặp nhất là thừa nước -> úng rễ -> thối cây: do cây cần rất ít nước và giá thể thoáng, vì thế nếu để trong nhà mà tưới quá nhiều nước + giá thể ngậm nước thì cây sẽ úng và chết
- Cây nghiêng ngả, không thẳng: Do thiếu ánh sáng nên cây không đủ cứng cáp để vươn lên theo hướng thẳng đứng. Bạn có thể dùng dây cột cho cây đứng thẳng & mang ra chỗ đủ sáng