Tại sao mình lại để tiêu đề là: cách trồng Hương Thảo tốt như Đà Lạt? Vì Đà Lạt là nơi có khí hậu và thổ nhưỡng quá tốt cho cây Hương Thảo. Nói không ngoa chỉ cần cắt cành cắm xuống đất là cây sẽ sống & phát triển tốt, có gì đâu mà phải hướng dẫn, nhỉ? Vậy nên bài viết này, mình sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn ở các tỉnh thành khác cách trồng Hương Thảo dễ dàng & phát triển tốt không kém Đà Lạt.
Cách trồng Hương Thảo tốt, tóm gọn lại chỉ có 03 ý: Cây giống khỏe, giá thể thoáng tránh úng rễ & tưới đủ nước. Trước tiên, mình tìm hiểu một chút về cây Hương Thảo:
Về Cây Hương Thảo – tên tiếng Anh thường gọi là Rosemary, tên khoa học là Rosmarinus officinalis là gia vị thường được dùng trong các món Tây, trong đồ uống.
Hương Thảo còn là nguyên liệu chính trong các liệu pháp về mùi hương, điều trị và phòng ngừa bệnh Alzheimer (bệnh sa sút trí tuệ) và ngăn ngừa bệnh rụng tóc. Nhưng hơn hết, mùi thơm của cây Hương Thảo làm cho con người thấy rất dễ chịu và sảng khoái. Vì thế, đa số những người yêu cây đều muốn trồng một cây Hương Thảo trong vườn nhà.
Mình là người mê Hương Thảo, Joy Garden lập ra được bao nhiêu năm thì chừng đó năm mình trồng Hương Thảo. Hiện tại, ban công nhà mình có 18 cây Hương Thảo lớn nhỏ, thành quả của việc sưu tập những cây cổ thụ ở Đà Lạt và cả cứu chữa những cây yếu ớt.
Thế nên, để mà nói tới việc trồng Hương Thảo mình tự tin có thể chia sẻ cho mọi người những kinh nghiệm chuẩn nhất, những lưu ý quan trọng nhất mà chưa có sách vở, báo chí nào viết kĩ càng.
Để trồng Hương Thảo tốt mình cần phải hiểu rõ về đặc tính của cây:
- Cây Hương Thảo ưa thoáng, càng thoáng càng tốt, vườn mà xếp cây dày, chen chúc thì khả năng cây sẽ chết rất cao
- Bệnh nguy hiểm nhất của Hương Thảo là nấm, lá sẽ đen dần rồi đen luôn cả ngọn & thân cây rồi chết
- Cây ưa nước nhưng cần giá thể thoáng nước, có nghĩa là tưới nước phải thoát được đi chứ không giữ nước lại làm rễ úng
- Hương Thảo ưa nắng nhẹ, nắng quá mạnh sẽ làm lá vàng & quăn không được đẹp. Tất nhiên cây vẫn sẽ sống được nếu tưới nước đầy đủ
- Hương Thảo dễ bị động rễ, nên nếu muốn thay chậu phải thật cẩn thận & nhẹ nhàng
Đến đây thì chúng ta đã có thể bắt đầu hình dung ra cách trồng Hương Thảo tốt rồi nhỉ? Mình xin viết dạng listing để các bạn dễ đọc hơn nhé:
1, Giá thể trồng cây Hương Thảo:
Giá thể cần phải thoát nước tốt vì thế đừng dại dùng “đất sạch” được bán rất nhiều ngoài thị trường – bản chất của đất này là sản phẩm của quá trình đốt các loại rác, loại này cực kì bí dễ, cây chết nhiều là do lí do này. Hoặc nếu có lỡ mua những loại đất đó rồi thì mình vẫn phải trộn thêm các thành phần thoáng khí & thoát nước tốt mới được. Nói về giá thể cho Hương Thảo có 2 cách như sau:
- Giá thể loại bình thường, bạn có thể tự làm tại nhà được: Sỉ than (đập ra đều to như hạt bắp là được) + trấu hun nguyên hạt + đất + ít phân hữu cơ (trùng quế hay phân bò đều được – phân bò thì sau này sẽ lên nhiều cỏ, hơi phiền một chút), mix theo tỉ lệ 1-1-1 là được nhé.
- Giá thể cao cấp, tiện lợi: Dễ nhất, bạn có thể mua SOIL MIX, loại đất trồng sen đá – xương rồng và trộn với đất tỉ lệ 2-1, giá thể này thoáng khí & thoát nước tốt cực tốt cho cây Hương Thảo, 100% Hương Thảo của mình đang dùng loại giá thể này.
2, Chọn cây Hương Thảo tốt:
Mình không cố ý quảng cáo nhưng mua Hương Thảo thì nên mua cây giống loại của Joy bán, thân đã hoá gỗ màu nâu, ngọn lên ngắn & dày lá (vì vườn ươn tại Đà Lạt làm riêng theo tiêu chuẩn của Joy) – loại này cây cực khoẻ và bộ rễ đã phát triển tốt. Đừng nên mua loại thân còn non màu xanh lá, cao lêu nghêu, lá thưa & ngọn dài cong queo nhé, loại này thường được kích thích/ thúc phân bón cho lên nhanh để xuất vườn nên sức sống yếu lắm.
3, Cách chăm sóc cây Hương Thảo:
Nên đặt cây ở chỗ có ánh nắng nhẹ, có nghĩa là nắng sáng, nắng chiều sau 2h, hoặc là nắng gắt cũng được nhưng trong khoảng 2 tiếng thôi. Quan trọng nhất là phải thoáng, Hương Thảo không để trong nhà được nên đừng nghe shop nào bán cây kêu Hương Thảo trồng được trong nhà nhé.
Bệnh nguy hiểm nhất của Hương Thảo là nấm, thế nên tưới nước các bạn hãy tưới buổi sáng để cả ngày gió sẽ làm khô nước trên lá. Bên cạnh đó, thường xuyên cắt tỉa các lá, nhánh phát triển từ dưới gốc đến đoạn giữa cây, để cho phần này của cây thoáng nhất có thể, như vậy nấm không thể phát triển được.
Điều kiện cho phép thì bạn nên tưới mỗi ngày, vừa đủ nước chảy nhẹ ra ngoài là được, còn nếu không có thể 2-3 ngày tưới 1 lần, tưới thật đậm cho nước chảy nhiều ra ngoài chậu.
Đặc biệt lưu ý: Hương Thảo dễ bị động rễ, động rễ thì chắc chắn chết, nên có lưu ý như sau:
- Nếu mua Hương Thảo chậu nhựa mà nhìn thấy đất trong chậu có vẻ phù hợp & còn dùng được thì giữ nguyên chậu nhựa chỉ tưới nước & thêm phân hữu cơ thôi nhé
- Nếu mới mua Hương Thảo hoặc trồng lâu muốn thay chậu thì phải tuân thủ nâng bầu đất ra khỏi chậu nhựa giữ nguyên được bầu đất (tốt nhất là nên cắt chậu nhựa) xong bê nhẹ nhàng đặt vào chậu lớn hơn, từ từ thêm đất vào xung quanh, không được làm vỡ bầu đất
4, Nhân giống Hương Thảo
Hương Thảo cũng tương đối dễ nhân giống, cây thường được nhân giống theo phương pháp giâm cành. Dưới đây mình hướng dẫn các bước giâm cành Hương Thảo:
- Lựa các nhánh khỏe, dùng dao hoặc kéo sắc cắt cách ngọn khoảng 8-10cm
- Vặt hết lá ở phần thân dưới, chỉ để khoảng 4cm phần lá ngọn
- Ngâm vào nước sạch độ sâu khoảng 2-3cm (có một chút kích rễ thì càng tốt)
- Để chỗ mát 5-7 ngày sẽ bắt đầu thấy cành đâm rễ non, đợi rễ dài khoảng 2-3cm mình có thể mang ra trồng được rồi
- Chuẩn bị giá thể trồng, đặt cây vào giữa rồi phủ nhẹ lên tránh làm gãy rễ non
- Để ở chỗ mát 7-10 ngày, cho cây phát triển bộ rễ. Sau đó, bạn có thể từ từ cho ra nắng nhẹ rồi full nắng sau khoảng 1 tháng
5, Hương Thảo mình trồng có sử dụng làm thực phẩm được không?
Hương Thảo mình tự trồng thì hoàn toàn có thể sử dụng làm thực phẩm được. Nhưng tốt nhất nên đợi khoảng 2-3 tháng sau khi cây ra ngọn & lá mới hãy sử dụng, vì nhiều nhà vườn tại Đà Lạt sử dụng thuốc trị nấm, rất không tốt cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, trồng Hương Thảo để sử dụng thì không nên dùng phân vô cơ, NPK mà chỉ nên dùng phân hữu cơ thôi nhé.
Ngoài sử dụng để làm gia vị cho các món ăn, đồ uống. Hương Thảo cũng rất thơm có thể phơi khô để vài nhánh trong tủ chén bát, kẹp vào sách vở, bỏ trong xe hơi… Mùi hương dễ chịu sẽ lưu được rất lâu đấy ạ.