Ở Việt Nam, cây cảnh thường có 3 nguồn chính: Cây Đà Lạt, cây Sa Đéc và cây Trung Quốc (một số ít cây hiếm chuyên dành cho sưu tập được nhập từ Thái Lan). Nhân đây, các bạn hãy cùng mình tản mạn về cây cảnh, nguồn nhập & giá trị mang lại nhé.
Có lẽ Joy Garden là một trong số ít đơn vị luôn nói chính xác nguồn gốc cây của mình bán khi khách hàng quan tâm. Mình luôn quan niệm rằng: kinh doanh cũng như cuộc sống thôi, thật thà sẽ luôn được thương nhiều hơn.
1, Cây nhập Đài Loan hay Trung Quốc?
Ở ta, đồ Trung Quốc luôn gặp phải một sự kì thị nhất định và cây Trung Quốc cũng thế. Vì thế, dễ hiểu các đơn vị kinh doanh luôn cố gắng né tránh nói về nguồn gốc thật sự của cây TQ và phương án thường được chọn là: Cây nhập Đài Loan.
Với người chịu khó tìm hiểu một chút Đài Loan là một đảo bên cạnh Trung Quốc đại lục. Bỏ qua việc Đài Loan có chỗ nào trồng cây để bán hay không, chỉ việc muốn nhập hàng từ Đài Loan chắc chắn phải đi đường Biển đã thấy khó khăn hơn đi đường bộ rất nhiều rồi. Riêng mình làm nghề cũng nhiều năm, xin khẳng định không có cây nào nhập Đài Loan cả. (Xin phép bỏ qua những mặt hàng giá trị cao: Bonsai, Hàng sưu tập… nếu có)
2, Tại sao phải nhâp cây Trung Quốc?
Phải thừa nhận một điều rằng công nghệ sinh học & kĩ thuật canh tác của người Trung Quốc rất cao. Vì thế yếu tố chính khiến thị trường cần cây TQ là cây có chất lượng tốt, đa dạng chủng loại, hình thức đẹp. Một việc nữa, đừng nghĩ rằng cây từ Trung Quốc là sẽ rỏm, sẽ nhanh chết nhé.
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, nên những sản phẩm phụ trợ cho nông nghiệp rất rẻ. Thế nên đa số cây của Trung Quốc được dùng những thứ tốt nhất.
Đơn cử như cây Sen Đá của ta – thường được trồng ở Đà Lạt, giá thể là những thứ ít tiền như: sơ dừa, tro trấu… mà chỉ khí hậu như Đà Lạt mới sống được. Nhưng cây Sen đá – sản phẩm đại trà nhập từ Trung Quốc, 100% dùng thứ giá thể mix bằng Perlite, Pumice & Peatmoss… loại mà ở ta được coi là giá thể cao cấp, chỉ dùng cho cây cao cấp nên vì thế có sức sống tốt hơn.
3, Phân biệt cây Việt Nam & Cây TQ
Như đã nói ở trên, Ở Việt Nam có 02 vùng trồng cây cảnh chính là Đà Lạt và Sa Đéc. Đà Lạt là nơi trồng các loại cây, hoa kiểng ôn đới như: Sen đá, Hương Thảo, Tùng Thơm… và đa số các loại hoa như: Hồng Môn, Hoa Hồng, Ly Lùn… vv. Sa Đéc là vùng nắng nóng quanh năm, nổi bật với các loại cây kiểng lá như: Kim Tiền, Đại Phú, Vạn Lộc, Ngọc Ngân… vv. Cây Trung Quốc thì có tất cả các loại trên.
Để phân biệt cây Việt Nam và cây TQ các bạn có thể kiểm tra giá thể & chậu. Ở Việt Nam, vật tư nông nghiệp hạn chế hơn nên thường các loại cây ở VN sẽ trồng trong chậu nhựa mềm màu đen hoặc đỏ & giá thể thường là tro trấu & sơ dừa. Cây Trung Quốc thường trồng trong chậu nhựa cứng, màu sắc đa dạng & giá thể sẽ dễ nhìn thấy peatmoss (mùn) và các loại hạt đá núi lửa như Perlite, pumice…
4, Cây Đà Lạt, Sa Đéc và Trung Quốc cây nào tốt hơn?
Về cơ bản, một cây phát triển tốt cần có 4 yếu tố với độ quan trọng như nhau: Cây khoẻ không sâu bệnh, môi trường phù hợp, giá thể tốt & chăm sóc đúng. Vì thế với mình mà nói, cây nguồn gốc ở đâu không quan trọng cho lắm, quan trọng là mình lựa cây ưng ý, cây khoẻ mạnh, lá đều và bộ rễ tốt là được. Còn lại 3 yếu tố nữa mình phải đảm bảo đủ: Đặt cây đúng môi trường nó cần, chăm sóc đúng và một giá thể phù hợp với đặc tính của cây.
5, Góc nhìn cá nhân của Joy
Bản thân mình cũng là một người trong trường hợp cho phép luôn tránh các mặt hàng made in china. Tuy nhiên, trồng cây & chăm cây lâu năm mình thực sự nghĩ rằng cây xanh không có tội, vì thế đừng đặt nặng nguồn gốc cây xuất phát từ đâu mà tội cái cây. Ở khía cạnh khác, mong rằng một ngày nào đó, công nghệ sinh học nói chung và khả năng canh tác của người Việt nói riêng sẽ phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh sòng phẳng với người Trung Quốc.