Ở bài viết tổng hợp các kiến thức về cây trong nhà, mình chia các loại cây trong nhà ra làm 2 loại: cây thân gỗ & cây thân thảo. Khác với cây thân thảo, cây thân gỗ để trong nhà cần ánh sáng tự nhiên & không gian thoáng mới thể phát triển ổn định được.
Ngoài tự nhiên, những cây thân gỗ như Bàng Sing, Ngũ Gia Bì, Kim Ngân… đều trồng full nắng mưa. Những cây thân thảo như Trầu Bà, Vạn Lộc… vv phải trồng trong bóng râm. Vì thế, dễ hiểu cây thân thảo sẽ hợp với môi trường trong nhà hơn.
Chính vì quen với môi trường nhiều sáng và thoáng đãng, nên nếu không biết chăm những cây thân gỗ đặt trong nhà sẽ dễ bị bệnh, kém phát triển hoặc gặp các vấn đề xấu. Cùng mình tìm hiểu kĩ hơn nhé.
Đặc điểm chung
Nói một cách đúng nhất thì cây nào cũng có thể đặt trong nhà được, chỉ cần tạo ra môi trường phù hợp với cây là được. Nhưng phần lớn những người mới trồng cây lại không biết điều này, cứ thấy đẹp hoặc đọc trên mạng kêu trồng được là mua về trong khi điều kiện ngôi nhà không cho phép.
Chưa kể tới việc các kiến trúc sư không hiểu về cây, cứ thấy phôi thiết kế cây đẹp là cho vào để ra bản 3D long lanh gửi khách. Mình gặp nhiều trường hợp nhận bản vẽ thấy cây xương rồng hay bàng Đài Loan đặt vào giữa phòng khách không có ánh sáng, lắc đầu ngao ngán luôn.
Các loại cây trong nhà thường gặp như: Bàng Sing, Hạnh Phúc, Kim Ngân… có thể sống thiếu nắng, nhưng không thể sống thiếu sáng. Vì thế khi đặt cây ở trong nhà, bắt buộc phải đặt ở gần cửa sổ, ban công, cửa ra vào… nơi có ánh sáng tự nhiên chiếu vào.
Bên cạnh đó, yếu tố môi trường cũng rất quan trọng, những cây này có đặc điểm chung là cần không gian rộng. Nên nếu bạn để cây trong phòng có đủ sáng nhưng quá nhỏ và kín cây cũng sẽ gặp vấn đề.
Điểm tên các loại cây thân gỗ trong nhà
Dù khó trồng chút xíu, nhưng những cây thân gỗ trong nhà làm ngôi nhà đẹp hơn rất nhiều, giúp không gian hài hòa hơn, giúp đồ nội thất bớt khô cứng. Mình xin liệt kê một số loại cây thân gỗ thường dùng đặt trong nhà:
1, Cây bàng Singapore
Cây bàng Singapore chắc hẳn là cây nổi tiếng bậc nhất, cây xuất hiện trong hầu hết các mẫu thiết kế nhà, các cửa tiệm thời trang, quán cafe… Với lá to bản, xanh đậm và tán lá gọn gàng cây được lòng nhiều người.
Ở Joy, bàng Sing là cây bán rất chạy nhưng cũng là một trong những cây bị complain nhiều nhất. Đa số là các vấn đề đen lá, rụng lá… vì môi trường không đủ điều kiện. Mình đã có một bài chi tiết về cây bàng Singapore, mong mọi người dành thời gian đọc.
2, Cây Kim Ngân
Cây Kim Ngân sông trong nhà tốt hơn bàng Sing, ở VN lại được gán cho những ý nghĩa phong thủy tuyệt vời nên cũng rất đắt khách. Cây Kim Ngân là cây đa dạng nhất về mẫu mã: Để bàn có, cây lớn dạng xoắn, dạng thân trụ, dạng bonsai đều có.
Các vấn đề rụng lá, héo lá do thiếu sáng Kim Ngân cũng hay gặp, nhưng thường gặp nhất là thối dễ. Gần như 100% cây Kim Ngân được trồng bằng hình thức giâm cành. Nên rễ của loại này rất yếu, để trong nhà tưới nước quá tay là thối rễ ngay.
3, Cây Hạnh Phúc
Cây Hạnh Phúc mới du nhập vào VN vài năm gần đây, nhờ cái tên ý nghĩa và đa dạng mẫu mã nên cũng là sự lựa chọn của không ít người. Cây có tán lá cực dày, xanh mướt cực đẹp, nhiều khách hàng thậm chí tưởng là cây giả.
Đa số cây Hạnh Phúc bán ở VN là nhập từ Trung Quốc. Họ dùng giá thể rất thoáng, tưới nước một cái là chảy đi ngay. Nên vấn đề hay gặp nhất của cây này là thiếu nước, toàn bộ lá sẽ rủ xuống. Nếu không khắc phục sớm cây sẽ rụng lá và chết.
4, Cây Ngũ Gia Bì
Cây Ngũ Gia Bì là cây rất quen thuộc với nhiều người, nhiều thông tin cho rằng cây có thể đuổi muỗi nên thường được mua bởi những người ở nhà phố, gia đình có con nhỏ.
Ngũ Gia Bì tương đối dễ tính, trồng cây chỉ cần lưu ý đủ sáng và đủ nước là được. Các trường hợp khách hàng phản hồi cây bị rụng lá, thân mềm, khô rễ đều bắt nguồn từ thiếu ánh sáng và tưới thiếu nước.
5, Phát Tài Núi
Cây Phát Tài Núi chính xác là cây ngoài trời, cần rất nhiều nắng. Nếu bạn có dịp đi ra vùng Phan Rang – Ninh Thuận, sẽ thấy Phát Tài núi mọc nhiều trên các mỏm núi đá. Nhờ cái tên ý nghĩa và dáng cây rất nghệ thuật, cây cũng được nhiều người ưa chuộng.
Phát Tài núi để trong nhà lá thường xanh đẹp hơn cây để full nắng ngoài trời. Cây để ngoài trời hay bị cháy cạnh lá nhìn rất xấu. Cây ưa khô, dễ bị úng rễ nên tưới vừa đủ và cần giá thể tốt. Tán cây có lá xếp lớp nên ở môi trường kín khí rất hay bị rệp.
Các vấn đề và bệnh thường gặp
Bán cây là làm dâu trăm họ mà, mình nghe chửi nhiều tới mức chai sạn cảm xúc luôn ấy. Nhưng sự thật cây chết 99% không phải do cây mà là do người trồng, lí do mình đã nói qua ở trên. Vậy các vấn đề mình thường bị khách mắng oan là gì?
1, Cây chết khô/ chết úng/ thối rễ
Các vấn đề này chung quy đều là vì lượng nước tưới, thường giá thể bên mình trồng cho khách là dùng loại dành riêng cho cây indoor rồi. Nên chỉ có tưới quá ít hoặc tưới quá nhiều mới làm cây chết.
- Tưới quá ít (chiếm 80%): cây để trong nhà nên mọi người sợ tưới nhiều sẽ chảy ra nhà. Nhưng cây thân gỗ thường có rễ ăn sâu, nên nếu chỉ tưới một chút đủ ẩm mặt trên thì phần rễ bên dưới sẽ khô -> mục làm cây héo, rụng lá và chết
- Tưới quá nhiều (20%): Cái gì quá cũng không tốt, team cuồng tưới cây lại không hiểu điều này. Sáng tưới, chiều tưới, buồn thì đêm cũng tưới. Cây để trong nhà quang hợp ít vì không có nắng, nên quá nhiều nước mà rễ không hút lên được thì sẽ bị úng -> thối rễ
- Về việc tưới cây, tưới vừa đủ là khi thấy nước màu vàng rỉ nhẹ ra đĩa lót là được. Nhân tiện, trồng cây trong nhà rất cần có đĩa lót để tránh làm bẩn nền nhà nhé
2, Cây rụng lá/ héo lá/ đen lá
Việc hỏng rễ ở trên là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới các vấn đề về lá. Nhưng còn một nguyên nhân khác tác động trực tiếp tới lá đó là môi trường trồng cây bao gồm: ánh sáng & không gian.
- Cây rụng lá & đen lá (hay gặp nhất ở Bàng Singapore & Hạnh Phúc), do không đủ nắng, lá sẽ đen dần từ viền và rụng tới khi không còn chiếc lá nào
- Héo lá thường là vấn đề phát sinh từ bệnh của rễ, nhưng đôi lúc nhiều người mua cây về (đã quen với để trong nhà) đặt ở ban công hoặc của sổ nắng gắt (hướng Đông/ Tây) cây chưa quen sẽ héo lá hoặc bạc lá
- Về việc này, hãy để ý khi cây có vấn đề gì từ sớm hãy điều chỉnh ngay vị trí đặt cây cho phù hợp là được
3, Cây bị Rệp & Nấm
Để trong môi trường kín, độ ẩm cao cây rất hay bị rệp hoặc nấm tấn công. Đặc điểm nhận rạng của rệp là màu trắng hoặc nâu bu đầy trên thân, lá, ngọn.. Bệnh nấm thì thường có đốm tròn tối màu ở giữa lá rồi lan ra các lá khác.
- Cách chữa bệnh nấm: Nấm nhẹ, bị vài lá thì hãy ngắt bỏ những lá bị bệnh rồi chuyển cây ra chỗ thoáng đãng. Nếu bị nặng đã lan khắp cây thì bắt buộc phải dùng thuốc xịt cho hết nấm. Chuyển cây ra chỗ thoáng, xa nơi ở rồi mua thuốc trị nấm xịt nhé.
- Cách chữa bệnh rệp: Rệp nhẹ, có thể dùng khăn lau. Nặng hơn chút nữa thì lấy cồn chấm vào tăm bông/ khăn chấm lên chỗ bị rệp rồi chuyển cây ra chỗ thoáng. Rệp nhiều thì cũng giống như chữa nấm, mang ra chỗ thoáng và xịt thuốc nha.
Nói chung các loại cây trong nhà, đặc biệt là cây thân gỗ cũng không phải là quá khó trồng. Chịu khó tìm hiểu một chút nếu điều kiện ngôi nhà cho phép thì có thể trồng vô tư. Bài viết có thừa hay thiếu thông tin gì hãy để lại góp ý cho mình nhé.