Cây thân thảo trong tự nhiên đa phần là những cây bóng râm. Vì thế, để mà nói phù hợp với môi trường trong nhà thì cây thân thảo là khả dĩ nhất, mặc dù sẽ phải có một vài lưu ý. Bài này mình sẽ chia sẻ cho mọi người cách chăm sóc cây trong nhà – các loại cây thân thảo nhé.
Đặc điểm chung của các loại cây thân thảo:
Cây thân thảo nói dễ hiểu là các loại cây mà phần thân không có gỗ, một số loại sẽ rụng cả thân và lá vào cuối mỗi mùa sinh trưởng. Một số loại (ví dụ họ Dáy) thì có phần thân phát triển lâu năm, lá và “cành” sẽ rụng sau mỗi giai đoạn sinh trưởng.
Như mình có nói ở trên, cây thân thảo đa phần là cây ưa bóng râm, ưa mát & ẩm. Trong tự nhiên, chúng thường mọc ở tầng thấp của hệ sinh thái bên dưới các tán cây lớn. Với môi trường nhân tạo, các loại này thường được nhân giống & trồng dưới lưới Lan để tránh nắng.
Vì thế đối với môi trường trong nhà, đa số là không có nắng trực tiếp, hơi thiếu sáng hoặc dùng ánh sáng điện người trồng nên chọn các loại cây thân thảo sẽ phù hợp hơn. Đối với các loại cây thân gỗ lớn, thường cần không gian lớn và ánh sáng nhiều mình đã có một bài viết về loại cây này.
Cây Thân Thảo đa phần không phải cây lâu năm, vài năm thì có chứ vài chục năm thì rất hiếm. Một số loại sau một khoảng thời gian nhất định sẽ mất dáng do thân phát triển quá cao, tán lá quá xòe.. cần phải tỉa tán lá, hạ độ cao (cutting ngang thân trồng lại).
Các loại thân thảo thường được trồng trong nhà
Cây Kim Tiền
Kim Tiền luôn được nhắc đến đầu tiên bởi độ phổ biến của nó. Gần như ai ai trồng cây cũng biết về Cây Kim Tiền. Cây có cả size cho chậu lớn và chậu để bàn nên có thể phù hợp với rất nhiều không gian.
Cây rất khỏe nên thường được “ưu tiên” đặt ở những nơi khó nhằn như: thiếu sáng, ánh sáng yếu. Tuy nhiên, mình không khuyến khích việc này vì cây có thể không chết nhưng không phát triển tốt được.
Cây Trầu Bà
Trầu Bà là cây thân leo, cũng có thể sống được 5 -10 năm nếu đúng môi trường. Cây thường được dùng để bàn hoặc mix vào cùng những cây lớn để tạo điểm nhấn cho chậu.
Cây có tác dụng lọc không khí rất tốt. Trầu Bà trên thị trường bạn sẽ gặp 02 cách chơi: trồng đất, thủy sinh. Nói chung, ai thích style nào thì chơi kiểu đó, chỉ cần đảm bảo đủ nước cho cây và đủ ánh sáng cho cây quang hợp là được.
Cây Lưỡi Hổ
Lưỡi Hổ thì quá nổi tiếng với “tính năng” nhả oxy cả ngày lẫn đêm. Để hiểu chính xác hơn về tính năng này thì Lưỡi hổ thuộc nhóm thực vật CAM, có khả năng ngậm CO2 vào ban đêm giúp không khí trong lành hơn.
Cây Lưỡi hổ cần nhiều ánh sáng. Các shop bán hàng hay kêu lưỡi hổ trồng được thiếu sáng bởi vì thân cây quá cứng, không phát triển nhìn cũng như bình thường nhưng thật ra cây có thể đã “dead inside” rồi đấy.
Cây Ngọc Ngân & Vạn Lộc
Hai cây này có đặc tính tương tự nhau, có một điều đặc biệt của 2 cây này là càng để mát (tránh nắng) màu cây càng đẹp. Cây vạn lộc càng mát thì càng đỏ, cây Ngọc Ngân càng để mát thì màu xanh càng đậm.
Vạn Lộc & Ngọc Ngân đều có thể trồng đất hay trồng thủy sinh tùy vào sở thích của mỗi người. Hạn chế của cả 2 là nếu để trong không gian kín lâu sẽ dễ bị rệp trắng. Vì thế, nếu có điều kiện hãy thường xuyên cho cây ra ngoài chỗ thoáng (tránh nắng) và thay nước đều đặn (nếu là chậu thủy sinh)
Cây Monstera & Trầu Bà Thanh Xuân
Monstera (Trầu bà Nam Phi) với lá to bản, đẹp, đậm chất rừng nhiệt đới, mấy năm gần đây rất được ưa chuộng trong thiết kế nhà cửa. Trầu Thanh Xuân còn phổ biến hơn nữa vì mức giá thường rẻ hơn Monstera.
Hai cây này cùng thuộc họ Dáy, có đặc điểm chung là rất cần ánh sáng và cực thoáng. Mình đã từng trồng cả 2 cây trong nhà, rồi cuối cùng cũng phải mang hết ra ban công vì để trong nhà cây cứ thế lụi dần dù để sát cửa sổ, chắc tại nhà nhỏ, kín không đủ thoáng.
Lan Ý, Hồng Môn
Lan Ý (Peace Lily) là cây đại diện cho Hòa Bình. Hồng Môn (Flamingo Lily) biểu tượng của sự nhiệt huyết, sắc son. Lan Ý có hoa trắng tinh khôi, Hồng Môn có hoa đỏ cuồng nhiệt. Đấy là điều các shop bán cây hay nói về 2 loại này ạ.
Mình sống ở Sài Gòn, đây là kinh nghiệm của mình: Hồng Môn thì chỉ phát triển tốt ở môi trường như Đà Lạt thôi, nên trồng ở SG (hoặc tỉnh khác tương tự) thì cây sẽ không ra hoa đỏ tiếp đâu ạ.
Cây Lan Ý thì có 02 loại, 1 loại bông nhỏ và bụi dày lá nhỏ, phẳng (cây nhập Trung Quốc) thì cũng chỉ chơi được lứa hoa trắng đầu tiên thôi, hoa sau sẽ chuyển sang xanh hết. Chỉ có loại Lan ý của Sa đéc, lá nhăn, bụi thưa và cao ấy thì sẽ ra hoa trắng thường xuyên.
Cách chăm sóc cây thân thảo trong nhà
Để cây phát triển cần các yếu tố giống cây, cách chăm sóc, giá thể & môi trường. Để tìm hiểu chi tiết hơn về các đầu nội dung này, mình có viết một bài tổng quan về cây trong nhà, các bạn hãy ghé đọc nhé.
Vấn đề thường gặp của cây thân thảo trong nhà là rễ & thân bị thối. Thường là do tưới quá nhiều nước & giá thể bí nước dẫn đến việc rễ bị úng và thối. Các bạn hãy tưới nước vừa đủ thôi đừng tưới nhiều quá.
Cây cũng rất hay bị rệp và nấm, đặc điểm của rệp là bám thành mảng trắng (hoặc nâu) trên thân và lá. Bạn cần để ý thường xuyên nhẹ thì có thể lấy giấy lau sạch. Bệnh nặng thì phải dùng thuốc trị rệp mới hết. Mình thường dùng Movento khi cây bị rệp nặng.
Bệnh Nấm cũng rất hay gặp, khi bạn thấy các đốm đen tròn trên lá xong loang dần ra các lá khác thì cây của bạn bị nấm rồi đó. Nếu bệnh nhẹ, phát hiện sớm thì vặt lá bị bệnh đi là được. Nếu nặng cũng phải dùng thuốc trị nấm, mình hay dùng Coc85.
Đối với những cây thủy sinh, cần thay nước ít nhất 1 tuần/ lần. Vì nước gần như không có dinh dưỡng gì nên bạn cần bổ sung dung dịch thủy sinh sau mỗi lần thay nước nhé. Bạn có thể tìm mua các loại dung dịch thủy sinh trên mạng hoặc xem tại đây.
Cách chăm sóc cây trong nhà nhìn chung thì cũng chỉ là đảm bảo ánh sáng và lượng nước tưới phù hợp thôi. Bản chất mấy loại cây này chăm cũng rất dễ, vì thế khi thấy dấu hiệu bất thường bạn hãy tìm hiểu để khắc phục ngay là được.