Cây phòng ngủ nên chọn loại nào? Hay phòng ngủ có thể đặt bao nhiêu cây? Cây hô hấp nhả CO2, vậy có ảnh hưởng đến giấc ngủ không? Rất nhiều câu hỏi mà chưa có báo chí nào ở VN trả lời đúng, hoặc chỉ trả lời chung chung. Hôm nay mình cùng nói về cây phòng ngủ nhé:
Lời khuyên đầu tiên
Trước hết, phòng ngủ phải có đủ ánh sáng thì mới trồng được cây. Phòng ngủ không có cửa sổ/ không ánh sáng tự nhiên chiếu vào thì tốt nhất không nên trồng cây. Vì không có cây nào sống được mà không cần ánh sáng cả.
Hiểu lầm về cây phòng ngủ
Nhiều người & báo chí chia sẻ với nhau rằng phòng ngủ không được trồng quá nhiều cây xanh. Ban đêm, cây hô hấp sẽ tạo ra CO2 làm ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ. Là người bán cây, sau khi nghiên cứu kĩ càng, mình xin đưa ra thông tin đúng cho về vấn đề này:
Trung bình một cây nội thất thải từ 148ppm đến 422ppm CO2 (Parts per Million) vào ban đêm. Một người trưởng thành khi ngủ trung bình thải ra trên 3000ppm CO2 trong một đêm. Có thể thấy rằng, trồng 10-15 cây trong phòng ngủ cũng chỉ giống bạn đang ngủ cùng một người lớn mà thôi.
Lưu ý khi trồng cây phòng ngủ
Tuy rằng cây xanh mang lại rất nhều lợi ích khi đặt trong phòng, nhưng những thứ đi kèm thì đôi lúc không được như vậy:
- Cây đặt trong phòng ngủ phải dùng giá thể sạch sẽ, có lớp phủ mặt để tránh đất cát bay ra ngoài làm bẩn phòng
- Cần để ý đảm bảo diệt sạch các loại côn trùng: Kiến, cuốn chiếu, sâu bệnh.. trước khi mang cây vào phòng ngủ
- Trồng cây trong phòng ngủ không nên dùng phân hữu cơ, sẽ có những mùi rất khó chịu làm ảnh hưởng tới giấc ngủ
- Nếu vẫn muốn dùng phân hữu cơ cho cây, bạn nên mang cây ra ban công hay chỗ thoáng một thời gian để mùi phân bay hết rồi mới mang vào
- Chậu cây nên có đế lót để tránh tình trạng tưới nước chảy ra sàn, ra thảm..
Các loại cây phù hợp
Search google một chút mình thấy rất nhiều trang tin đưa ra đủ các loại cây: các loại hoa cần nắng, xương rồng, sen đá, cây ôn đới… vào phòng ngủ. Thật sự là bó tay, trồng mấy cây đó trong phòng ngủ được 3 hôm là chết thôi. Dưới đây là các loại cây chắc chắn tốt cho sức khỏe & sống được trong phòng ngủ:
1, Lưỡi hổ:
Cây lưỡi hổ luôn là lựa chọn hàng đầu cho phòng ngủ. Trên thực tế, lưỡi hổ không nhả oxy vào ban đêm như một số báo chí đưa tin. Cây lưỡi hổ ở VN chỉ ngậm CO2 vào ban đêm, làm giảm lượng CO2 và tăng chất lượng giấc ngủ.
2, Các loại trầu bà
Trầu bà là loại cây lọc không khí hàng đầu. Theo NASA, ngoài lọc không khí trầu bà còn hấp thụ các khí độc như: mùi thuốc lá hay khí độc benzen & formaldehyde phát ra từ đồ nội thất công nghiệp.
3, Lan ý
Ngoài lọc không khí, cây Lan ý còn có khả năng hút ẩm mốc làm sạch không khí. Thị trường có 2 loại Lan ý: loại lan ý lớn là nhăn là của Sa đéc, loại lá mịn dày và hoa nhỏ là của Trung Quốc. Cả 2 loại đều tốt, nhưng loại của TQ thì rất khó trồng ra hoa trắng tiếp.
4, Kim Tiền
Kim Tiền lọc không khí tốt, sống khỏe trong bóng râm. Tuy nhiên, nếu phòng ngủ có trẻ em thì không nên dùng Kim Tiền. Nhựa của cây Kim Tiền gây kích ứng lên da nếu bé vô tình vặt lá, bẻ nhánh cây.
5, Lan chi (Dây nhện)
Lan chi (Dây nhện/ Mẫu tử) là cây để bàn ưa thích của rất nhiều người. Cây có lá sọc, mềm mại và xòe ra rất đáng yêu, thường được đặt trên bàn làm việc/ bàn trang điểm… Lan chi lọc không khí tốt & sống tốt ở trong nhà.
6, Vạn lộc/ Ngọc ngân/ Phú Quý
Bộ 3 cây này có chung đặc điểm là ưa bóng mát, và ưa ẩm. Cả 3 đều có màu lá rất đẹp và bắt mắt. Những loại này có thể trồng đất hay trồng thủy sinh đều được.
7, Monstera/ Trầu bà thanh xuân/ Đế vương
Phòng ngủ rộng và thoáng thì bạn có thể cân nhắc 3 loại này. Cây họ ráy rất khó tính chứ không dễ. Nếu phòng kín, ánh sáng yếu cây sẽ dặt dẹo khó sống.
Cách chăm sóc
Đa phần, cây trong nhà đều ưa mát & ưa ẩm. Tuy nhiên đặc thù của phòng ngủ thường nhỏ hơn và bật điều hòa thường xuyên. Vì thế, dưới đây là một số lưu ý về cách chăm sóc:
- Cây xanh thường có xu hướng nghiêng theo hướng ánh sáng. Cây để trong nhà cần thường xuyên xoay chậu để cho tán lá phát triển đều
- Tưới cây 2-3 lần/ tuần. Mỗi lần tưới phải tưới đậm, đảm bảo bộ rễ chỗ nào cũng nhận được nước
- Cắt tỉa lá vàng, lá héo thường xuyên. Vì không gian kín & chênh lệch nhiệt độ lớn (bật, tắt điều hòa) nên những lá khô, lá thối rất rễ sinh ra nấm có hại cho cây