Xương rồng, Sen đá

Mọi kiến thức về cây sen đá, 9 năm kinh nghiệm trồng sen đá

Joy Garden mình bắt đầu kinh doanh cây cảnh với khởi đầu là sen đá từ 2015, mở vườn ươm ở Đà Lạt từ 2022, có một Shopee Mall về sen đá và vật tư. Đầu năm 2024 mình xây một nhà kính bật điều hòa để trồng sen đá tại Sài Gòn – xứ nóng.

 Vườn sen đá Joy Garden
Vườn sen đá của Joy Garden tại Đà Lạt

Trước khi bắt đầu vào bài viết chính, mình xin nêu rõ quan điểm của mình khi trồng sen đá là vì nó đẹp, không vì ý nghĩa tình yêu hay vì phong thủy, hợp tuổi gì cả. Những thứ đó, thực tế mà nói nó rất mơ hồ và chỉ là những câu chuyện của người bán đưa vào để kích thích mua hàng mà thôi. 

Vì thế, nếu bạn muốn tìm ý nghĩa của cây sen đá, hay sen đá hợp với tuổi gì, phong thủy ra sao thì trong bài viết này sẽ không có. Bài sẽ rất dài, rất cám ơn nếu bạn dành thời gian đọc.

Sen đá là gì?

  • Sen đá là chủng thực vật mọng nước (Succulent Plant). Trong tiếng Anh, Succulent là nói chung cho tất cả các họ mọng nước: Echeveria (sen đài), Haworthia (sen guốc), Sempervivum (phật bà), Crassula, Aeonium…vvv. 
  • Xương rồng – họ Cactaceae – cũng là một họ thuộc loài mọng nước (Succulent)
  • Ở Việt Nam, sen đá đã có từ rất lâu nhưng bắt đầu phổ biến hơn từ những năm 2014 – 2015. Thời điểm đó, các loại sen rất nghèo nàn, đa số là các dòng Echeveria cổ điển như: Sen thái, sen viền lửa, sen nâu
  • Hiện nay ở thời điểm 2024, sen đá đã rất phổ biến và cực đa dạng với các giống mới được du nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc và nhân giống thành công ở Đà lạt. 
Vườn sen đá Joy Garden
Vườn sen đá của Joy Garden tại Sài Gòn

Những lầm tưởng nhiều nhất về sen đá trên Internet:

  • Sen đá có nguồn gốc sa mạc: Không hề, sen đá là cây ôn đới 100%, không thể chịu được nắng quá nóng và khô hạn quá lâu. 
  • Sen đá dễ chăm, sức sống mãnh liệt: Ngày xưa mình dấn thân bán sen đá cũng vì mấy câu xàm xí này đó. Sen đá thực tế chỉ dễ trồng ở xứ ôn đới thôi. Ở xứ nóng thì rất rất khó. 
  • Sen đá có thể để trong nhà, tốt cho phong thủy: ??:D??, mình không hiểu vì lí do gì mà họ có thể viết ra được những dòng này. 

Đặc tính của sen đá:

Đây là những điều mình nghĩ thực sự cần thiết với những người yêu sen đá. Vì vậy mình sẽ viết rất chi tiết, rất mong bạn sẽ đọc kĩ:

  • Sen đá là cây ngoài trời, không để được trong nhà. Cây yêu cầu nắng từ  6 đến 8 tiếng/ ngày để phát triển tốt. Đặc biệt, không có chuyện trồng trong nhà rồi 2-3 ngày mang ra nắng sáng/ lần là cây sẽ sống. 
  • Sen đá ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ tốt nhất cho sen đá là từ 14-32 độ C, thấp hoặc cao hơn chút xíu vẫn được. Nhưng quá lạnh hoặc quá nóng cây sẽ chết. 
  • Sen đá ưa độ ẩm từ 30-60%, độ ẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp sen đá sống tốt và lên màu.
  • Sen đá ưa giá thể (đất trồng) thoát nước tốt, thoáng rễ. Nhưng thực tế giá thể cũng phụ thuộc vào bạn trồng sen ở đâu. Nếu bạn trồng sen đá ở môi trường hoàn hảo như 3 điều kiện trên thì cần xơ dừa hay đất thịt sen đá vẫn sống và phát triển tốt. Một lát nữa mình sẽ nói cho bạn biết vì sao.
  • Sen đá mang nhiều được tính của cây mọng nước như: nhân giống bằng lá, phát rễ mới từ lá hoặc thân. Nói chung là khá dễ nhân giống.
  • Sen đá lên màu do nhiều yếu tố cộng lại: giống sen, nhiệt độ, độ ẩm, lượng tưới..vv. Mình sẽ nói kĩ ở phần sau

Hưỡng dẫn chọn sen đá:

Chọn sen đá để trồng cũng cần kinh nghiệm để tránh mất tiền oan, kể cả trường hợp bạn không quan tâm đến tiền lắm thì mua cây về trồng chết cũng rất buồn và tiếc. Ở phần này mình sẽ có tổng quan và chi tiết, rất quan trọng, ráng đọc nhe.

Chon sen đá

1, Cách chọn sen đá khỏe và tốt:

  • Cây giữ được form cứng cáp, không bị xòe
  • Lá và thân không được quá mềm và héo
  • Cây giữ được màu đặc trưng của từng loại
  • Nhìn giá thể (đất trồng) nếu thấy giá thể sử dụng các loại đá chuyên dụng sẽ tốt hơn là cây trồng sơ dừa
  • Để ý kĩ đỉnh cây, nách lá và phía dưới lá xem có dấu hiệu nấm rệp không, nếu có sẽ mất nhiều thời gian xử lý

2, Chọn sen đá cho người mới chơi: 

Mới trồng sen đá, kinh nghiệm chưa nhiều bạn nên lựa các loại dễ sống, ít bệnh. Sau khi đã nhiều kinh nghiệm hơn bạn có thể thử sức với các dòng khó hơn. Mình làm bảng xếp hạng chia theo từng độ khó như sau, tất nhiên sen càng khó trồng sẽ càng đẹp:

  • Rất dễ trồng: Các loại sen dễ trồng nhất: Các loại đá đỏ, đá cam, sen móng rồng, sen cúc tím, sen dù..vv
  • Dễ trồng: Một số loại khó trồng hơn một chút xíu: Liên Đài Tím, Madiba, Black Queen, Blue Mist, Monroe..vv
  • Khó trồng: Một số loại rất khó trồng cho người mới: Các loại sen Var. (đột biến), các loại sen không có màu xanh như: Laui, Cante..vv (ít diệp lục, khó sống), sen nâu, phật bà..vv
  • Siêu khó trồng: Aeonium – tất cả các loại aeonium đều khó trồng vì rất hay bị rệp, rồi là có chế độ ngủ hè..vv.  Các loại sỏi Pachyphytum: Moon Stone, Sỏi hồng, sỏi xám ..vv
sen đá cúc tím
Cúc Tím là một trong những loại sen bản địa, dễ trồng và cực đẹp dành cho người mới

3, Chọn sen đá theo vùng khí hậu:

Ở Việt Nam đa số các vùng núi cao có khí hậu mát mẻ đều trồng sen đá rất dễ dàng. Các tỉnh đồng bằng phía Bắc cũng có khoảng thời gian trồng sen đá rất đẹp. Khó nhất là các tỉnh miền Trung và Nam bộ (xứ nóng). Thế nên mình sẽ chia theo từng vùng khí hậu để bạn dễ chọn sen:

  • Khu vực núi cao như các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc: Khí hậu về cơ bản là phù hợp với sen đá thế nên bạn có thể thoải mái chọn các loại sen từ khó tới dễ nhất. Tất nhiên, mới trồng thì vẫn nên trồng từ dễ đến khó.
  • Khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ: Các tỉnh này chỉ có duy nhất mùa hè là đặc biệt nghiêm trọng do lượng mưa lớn và nắng gió lào. Thêm một chút mưa dầm dề của cuối thu đầu đồng làm giảm lượng nắng. Nên trồng các loại từ Rất dễ đến Khó trồng.
  • Khu vực các tỉnh miền Trung và Nam bộ: Xứ nóng rất là khó trồng, cực khó trồng vì nắng gắt và mưa nhiều (độ ẩm cao). Kể cả những cây dễ trồng còn có nguy cơ chết thế nên bạn cứ lựa chọn thoải mái nhưng nên luôn sẵn sàng tinh thần “mua cây mới”.

Cách xử lý cây khi mới mua về:

Mua về có bắt buộc phải xử lý rễ, vặt lá khô không? Thường thì là có nhưng vẫn có trường hợp không cần:

1, Trường hợp mà bạn không cần xử lý cắt tỉa rễ sen đá:

  • Bạn mua sen đá được trồng ở nơi có khí hậu giống nơi bạn sống (lưu ý là nơi trồng ra cây đó chứ không phải chỗ bán) thì thực tế bạn không cần phải xử lý gì cả. Cứ để trưng thôi, muốn thay chậu lớn thì cũng chỉ cần đặt bầu đất cũ vào rồi thêm đất mới là xong. Nếu vẫn muốn xử lý xả đất hãy đọc tiếp phần sau nhé. 
  • Bạn mua được sen đá già, rễ đã ăn kín chặt bầu đất, nhìn bầu đất chỉ thấy còn nguyên rễ không thấy đất đâu. Thường gặp ở các loại sen vỉ và một vài loại sen bầu già. Trường hợp này bạn để nguyên bầu đất cũ trồng vào chậu mới, thêm đất mới là được.
thay chậu cho sen đá


2, Trường hợp bắt buộc phải xử lý cây trước khi trồng

  • Mua cây ở nơi khác về (ví dụ bạn ở Sài Gòn mua cây ở Đà Lạt). Bạn cần xả đất, tỉa rễ và vệ sinh vặt lá già, xử lý các mầm bệnh.

3, Hướng dẫn xả đất, tỉa rễ và xử lý mầm bệnh

  • Xả đất mình có 2 cách: để bầu đất thật khô rồi xả bằng cách bóp vụn bầu đất, giữ phần rễ lại. Cách thứ 2 là lấy vòi xịt nước mạnh xịt cho bung hết đất ra chỉ giữ phần rễ lại.
  • Tỉa rễ: Bạn cần tỉa hết các rễ nhỏ, để lại những rễ chính là được. Vì mấy rễ nhỏ này để mấy hôm cũng sẽ khô và rụng hết thôi. Hoặc bạn cũng có thể cầm kéo cắt ngang phần rễ cách gốc khoảng 2-2.5cm
  • Kiểu tra phần nách lá, phần rễ sau khi xả và phần ngọn có các dấu hiệu của rệp trắng & nấm đen trên lá không. 
  • Nếu sen đá bị rệp nhẹ, bạn có thể dùng vòi rửa xịt sạch hoặc lấy giấy lau sạch là được. Nếu bị rệp nặng bạn cần xịt cho bong rệp, rồi xịt thuốc trị rệp sau đó để khô, 2-3 ngày sau lại mang cây ra xịt nước sạch cho hết sạch thuốc và mầm bệnh.
  • Nếu sen đá bị nấm đen trên lá, bạn có thể xịt thuốc nấm trực tiếp trên lá hoặc ngâm cây trong dung dịch có thuốc diệt nấm trong 5-10 phút.

Xong tất cả các bước trên, bạn hãy để cây ra chỗ thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và tránh nước. Sau khoảng 5 -10 ngày khi vết cắt khô, vì khuẩn không thể xâm nhập được là bạn có thể mang trồng được. 

Hướng dẫn thay chậu sen đá:

Thú thực là trồng sen đá mình thích nhất công việc thay chậu. Để thay chậu cho cây, bạn cần chú ý những điều sau:

1, Cây nào cần thay chậu:

  • Cây mới mua
  • Cây già, lâu năm trên 2 năm tuổi, không thấy phát triển trong thời gian dài
  • Cây đã phát triển phủ kín mặt chậu, khó tưới nước vào gốc và dễ sinh ra nấm bệnh ở gốc
  • Cây bị bệnh ở phần gốc/ giá thể. Cần phải bỏ hết đất cũ xử lý và trồng lại

Các bước xử lý cây bạn có thể áp dụng phần nội dung phía trên là ok rồi

sen đá khổng lồ
Sen đá phát triển theo năm tháng

2, Chọn chậu để thay cây:

  • Chậu phải lớn hơn đường kính của tán cây, để dễ dàng tưới nước, bón phân và có không gian cho cây phát triển tiếp
  • Không nên chọn chậu quá lớn, sẽ tốn rất nhiều đất trồng, nặng nề khó di chuyển sắp xếp vườn
  • Chậu phải có lỗ thoát nước

3, Các bước thay chậu cho cây:

  • Bỏ một lớp đá lót đáy chậu, tùy theo độ cao của chậu mà bạn chọn lượng đá phù hợp. Mình thường bỏ 1/4 chiều cao của chậu
  • Thêm đất trồng sen đá vào chậu, dùng bình phun nước xịt nhẹ cho ẩm đất. Đặt cây và cho thêm đất phủ hết gốc cây. Nên để đất thấp hơn mặt chậu một chút để còn trải đá rải mặt
  • Rải một lớp đá rải mặt (masato, đá cầu vồng, pumice, sỏi tự nhiên..vv) lên. Lớp này có tác dụng cách nhiệt, bảo vệ rễ và tránh xói mòn khi tưới nước.

4, Đặt chậu & cây mới trồng vào chỗ thoáng mát, nắng nhẹ. Sau đó cứ 5-7 ngày tiếp tục tưới ẩm một lần. Khoảng 2-3 tuần bạn khẽ lay nhẹ gốc nếu thấy gốc đã chặt với phần đất có nghĩa là rễ đã phát triển tốt. Lúc này có thể mang cây từ từ ra nắng gắt.

Tên các loại sen đá: 

Phần này mình sẽ đưa vào bài viết một vài loại thôi vì mình sợ bài sẽ dài quá. Bạn muốn tìm hiểu kĩ hay xem video mình đính kèm phía dưới nhé. 

1, Hạc trắng – Echeveria Cante

Sen đá hạc trắng

2, Aeo mặt trời – Aeonium Sunburst

3, Sen bánh bao – Echeveria Chihuahuaensis

4, Laui – Echeveria Laui

Sen đá Laui

5, Sen Ngọc Trinh – Blue Mist

6, Black Queen

…vvv

Giá thể trồng sen

Phần này mình có một bài viết khá kĩ về đất trồng sen đá rồi. Về cơ bản, sen đá cần một giá thể thoát nước tốt, giữ ẩm vừa đủ để cây có thể phát triển mà không bị úng hay thối rễ. Để tìm hiểu chi tiết bạn hãy tìm hiểu tại đây nhé. 

>>> Đất trồng sen đá, toàn bộ bí kíp

Đất trồng sen đá Soil Mix
Joy Garden sỡ hữu thương hiệu đất trồng sen đá – Soil Mix. Bán chạy Top 1 trên sàn Shopee

Các loại đá rải mặt chậu sen đá

Có nhiều người hỏi mình dùng loại đá rải mặt nào tốt nhất. Tiện trong bài viết này mình sẽ trả lời luôn là đá rải mặt đa phần có tác dụng giống nhau là: Trang trí, cách nhiệt bảo vệ bộ rễ và trống xói mòn khi tưới nước. Tùy điều kiện và tùy sở thích bạn có thể chọn các loại sau đây:

  • Masato: Loại đá này được rất nhiều người ưa chuộng, đá có màu vàng rất đẹp, được rất nhiều tín đồ sen đá không chỉ ở VN mà còn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, TQ sử dụng
  • Đá cầu vồng: Bản chất loại đá này được kết hợp từ 4 loại đá là: Zeolite, Masato, Lava đỏ và Lava đen. Sự kết hợp màu sắc này giúp cho lớp đá rải mặt nhìn rất dễ chịu. Loại đá này được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc
  • Đá lava đen/ đỏ: 2 loại này thì tùy sở thích của bạn thôi. Mình cũng hay rải bằng lava đen, nhìn đẹp mà rất sang
  • Đá Zeolite: Có màu xanh đồng đặc trưng, khi tưới nước vào màu còn lên đẹp hơn. Có thông tin chưa được kiểm trứng là trải mặt bằng đá zeolite thì rễ bên dưới sẽ phát nhanh hơn các loại khác
  • Đá pumice: Loại này một số bạn cũng dùng, nhưng cá nhân mình thấy nó ko đc đẹp. Vì khi khô thì nó có màu xám nhạt, còn khi tưới thì nó lại chuyển qua màu đậm. Lúc vừa khô vừa ướt nhìn rất chán
  • Đá tự nhiên các loại: Loại này thường có sẵn ở Việt Nam, đá sỏi cuội các màu trộn với nhau. Thực sự thì mình không sử dụng nhưng nếu bạn dùng để rải mặt cũng không vấn đề. Bạn thấy đẹp là được.

Cách tưới nước

Tưới nước sen đá không chỉ có 1 công thức là 2 ngày tưới 1 lần hay 1 tuần tưới 1 lần. Tưới cho sen đá cần tìm hiểu rất kĩ từng giai đoạn, đặc tính của cây sau đó mới lên kế hoạch tưới. Và có rất nhiều lưu ý mỗi khi tưới nước. Mình đã có một bài viết rất chi tiết và 1 video khá trực quan, bạn hãy tìm hiểu bên dưới:

>>> Tưới nước sen đá, từ mới trồng tới khi ép màu sen đá

Thủ thuật ép màu cho sen đá

Ép màu cho sen đá lên màu rực rỡ là mong muốn cũng như là đam mê của tất cả người chơi sen đá. Để cây lên màu tối đa cần có các yếu tố cần và đủ như sau:

  • Cây phải đủ già (tuổi thường phải trên 1 năm)
  • Có bộ rễ đang ổn định
  • Các điều kiện môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, lượng nắng phải đạt yêu cầu.

Mình cũng có một bài viết rất tâm huyết và một video chất lượng cao về chủ đề này. Bạn hãy tìm hiểu bên dưới nhé.

>>> Thủ thuật ép màu sen đá của nhà vườn

Nhân giống sen đá

Sen đá về cơ bản là một loài dễ nhân giống. Bạn có thể nhân giống bằng hạt (mình thì chưa thấy hạt sen đá bao giờ), lá, thân, ngọn đều được. Loài mọng nước rất dễ phát rễ khi gặp giá thể ẩm.

1, Nhân giống bằng lá:

Đa số càng họ sen đá đều có thể nhân giống bằng lá, phương pháp này dễ thực hiện và có thể sản xuất được số lượng lớn. Để nhân giống bằng lá, bạn cần làm 3 bước sau:

  • Tách lá: Nên chọn lá căng mọng, không nấm bệnh, đối với lá khô héo sẽ khó nảy nầm. Một tay giữ ngọn nhẹ nhàng, tay còn lại vặt lá lìa khỏi thân không làm lá bị đứt giữa chừng.
  • Phơi khô: đây là một bước góp 50% vào độ thành công của bạn. Tách lá xong không nên mang đi ươm ngay lập tức nhé. Khi lá được tách mẹ lúc này phần lá đang có vết thương hở dẫn đến nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập cao. Hãy chuẩn bị một chiếc rổ và giàn đều lá sen trong đó,đem đặt nơi khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp khoảng 3-4 ngày.
  • Chọn lọc lá: sau bước hong khô vết thương ta sẽ chọn lọc lá một lần nữa, sẽ có trường hợp một vài lá bị úng hoặc phần cuống lá bị đen hãy bỏ chúng đi và chỉ lựa những chiếc lá khỏe mạnh nhất.
  • Ươm lá: Chúng ta sẽ xếp đều lá đã chọn lọc vào khay giá thể ( hơi ẩm), đặt lá nằm ngang và đừng vùi lá vào đất. Sen đá là loài có sức sống mãnh liệt nhưng không ưa quá nhiều nước vì vậy việc vùi lá non vào giá thể sẽ gây nguy cơ úng lá. Cuối cùng đặt lá nơi thoáng mát, ánh sáng nhẹ khoảng 1-2 tuần lá sẽ nảy mầm.

2, Nhân giống bằng hủy đỉnh lấy ngọn:

Một số cây do quá cao hoặc một số dòng không thể nhân giống bằng lá. Chúng ta phải dùng phương pháp hủy đỉnh, phương pháp này sẽ làm ra cây với số lượng ít hơn nhưng nhanh đạt kích thước mong muốn hơn. Cụ thể như sau:

Nhân giống sen đá
Cây hủy đỉnh sau 02 tháng để ở chỗ mát mẻ, tránh nắng trực tiếp đã ra nhiều rễ, sẵn sàng trồng
  • Đặt cây ở vị trí bằng phẳng, để việc thao tác dễ dàng hơn
  • Lựa chọn vị trí xác định (là từ ngọn xuống 2-3 tầng lá) để cắt
  • Dùng dao mảnh/ sắc hoặc sợi cước để cắt thật gọn & mượt
  • Để phần vừa cắt ra chỗ thoáng mát 5-7 ngày cho vết cắt khô là có thể đặt lên đất ẩm đợi ra rễ và phát triển thành cây được. Hoặc nếu bạn ở xứ mát mẻ thì cứ để 1-2 tháng khi cây ra rễ như hình trên rồi trồng cũng được
  • Cây mẹ hủy đỉnh xong cũng sẽ phát triển ra rất nhiều nhánh con, sau thời gian mình có thể tiếp tục hủy đỉnh để được nhiều cây con hơn

Bón phân cho sen đá

Thực tế mà nói, sen đá không cần quá nhiều phân bón để phát triển. Thường thì sau khi trồng cây đã ổn định khoản 3-4 tháng mình mới cần thêm phân để giúp sen đá tăng trưởng & up size. Không có cũng không sao.

Mình thường chỉ dùng 02 loại phân:

  • Phân cá hữu cơ, mình sử dụng loại phân cá hữu cơ của Nauy, loại này thường dùng khi muốn up size, tăng kích thước cánh sen nhanh nhất có thể. Đạm cá có trong phân sẽ giúp cây bóng mượt & lớn rất nhanh
  • Phân NPK 14 đều: Loại phân vàng trứ danh có dinh dưỡng cân bằng N-P-K theo tỉ lệ 14-14-14. Loại này bạn cứ rải lên mặt, mỗi lần tưới phân sẽ tan một chút và ngấm xuống đất cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Cả 2 sản phẩm này đều có bán tại Shopee Mall của Joy nhé.

Các loại bệnh thường gặp

Mình liệt kê các loại bệnh thường gặp ở sen đá. Để tìm hiểu chi tiết về biểu hiện và cách chữa bạn có thể đọc kĩ hơn ở bài viết này nhé: Cách trồng sen đá

1, Tuyến trùng rễ:

Bệnh này gây ra tỉ lệ chết cây gần như 100% vì rất khó phát hiện.

Sen đá bị tuyến trùng rễ
Sen đá bị tuyến trùng rễ

2, Bệnh nấm:

Hay gặp ở sen đá trong môi trường không được thông thoáng, nấm sẽ xuất hiện thành

3, Sen đá bị rệp:

Rệp không gây chết cây nhưng sẽ bu kín một lớp trên lá làm cây mất thẩm mỹ nhìn rất chán đời

4, Thiếu nắng:

Lá cây bị mềm, xòe ra không còn cúp lại và cứng cáp.

5, Cây bị nám:

Cây bị thiếu nắng thì mềm yếu. Ngược lại, cây ở chỗ nắng gắt lại bị nám & cháy lá rất mất thẩm mỹ.

6, Bệnh nóng ruột:

Rất tiếc bệnh này không phải của sen, mà của người trồng. Mới trồng cưng lắm, ngày nào cũng mang ra coi, lay gốc coi có rễ chưa, sờ sờ nắn nắn…

Bệnh này thì khó chữa, cần phải có thời gian mới quen được đấy. Cây bạn trồng xong, tưới nước rồi để đó 1-2 tuần. Sau đó bạn để ý phần ngọn cây mà có phát triển nghĩa là cây đã đâm rễ, bạn có thể yên tâm rồi đó

Tham khảo các sản phẩm cây chậu và vật tư Sen đá tại: Shopee Mall Joy Garden

DANH SÁCH CỬA HÀNG

Để được tư vấn về các sản phẩm cây cảnh, chậu, dịch vụ thuê cây & thi công sân vườn.. quý khách vui lòng gọi hotline của Joy

bài viết tham khảo

Hoặc vui lòng để lại thông tin liên lạc,
Joy Garden sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất



    Copyright © 2021 Joy Garden. All rights reserved